Lịch sử Người_Triều_Tiên_(Trung_Quốc)

Trong suốt chiều dài lịch sử, do mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, việc di dân xảy ra một cách thường xuyên giữa hai quốc gia láng giềng. Đã có những ghi chép về việc di cư của người nhập cư Triều Tiên vào đầu nhà Thanh, nhà Minh, nhà Nguyên, nhà Đường và thậm chí là từ trước đó. Phần lớn những người di cư Triều Tiên này đã đồng hóa vào xã hội Trung Hoa. Hiện số người dân tộc Triều Tiên tại Trung Quốc chủ yếu là hậu duệ của những người di cư từ năm 1860 đến năm 1945. Trong những năm 1860, một loạt thiên tại đã xảy ra tại Triều Tiên, dẫn đến nạn đói thảm khốc. Cùng với sự nới lỏng kiểm soát biên giới và chấp nhận di dân từ bên ngoài đến vùng Đông Bắc Trung Quốc của nhà Thanh, nhiều người Triều Tiên đã lựa chọn di cư. Khoảng năm 1894, một ước tính cho thấy có 34.000 người Triều Tiên sống ở Trung Quốc, với số lượng ngày càng tăng và lên 109.500 vào năm 1910. Sau khi Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, nhiều người Triều Tiên đã di chuyển đến Trung Quốc. Một số chỉ đơn thuần là chạy trốn khỏi ách cai trị của Nhật Bản hoặc do khó khăn kinh tế, trong khi những người khác có ý định tận dụng Trung Quốc như là một cơ sở cho các phong trào kháng chiến chống Nhật của họ. Đến năm 1936, đã có 854.411 người Triều Tiên ở Trung Quốc. Khi Nhật Bản mở rộng phạm vi chiếm đóng sang Trung Quốc, chính phủ Nhật đã buộc nhiều nông dân Triều Tiên di chuyển về phía bắc tới Trung Quốc để khai khẩn đất đai. Trong Chiến tranh thế giới II, nhiều người Triều Tiên ở Trung Quốc đã tham gia cùng nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nhật Bản. Nhiều người cũng đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và chiến đấu chống lại quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc trong thời kỳ Nội chiến Trung Quốc, song song với một lượng lớn không nhỏ người Triều Tiên khác, chủ yếu ủng hộ Kim Gu, thủ lĩnh kháng chiến Triều Tiên, cũng ủng hộ Quốc dân Đảng chống lại phe cộng sản. Sau năm 1949, ước tính có khoảng 600.000 người, tương đương 40% vào thời điểm đó, đã chọn lựa hồi hương về bán đảo Triều Tiên, phần vì lo sợ bị những người cộng sản thanh trừng. Những người còn lại đã chọn ở lại Trung Quốc và đã nhận quốc tịch Trung Quốc từ 1949 (kết thúc Nội chiến Trung Quốc) đến năm 1952.

Từ 1949

Sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhiều người Trung Quốc gốc Triều Tiên đã gia nhập "quân chí nguyện nhân dân" để chiến đấu cùng Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên.[3] Hầu hết người Trung Quốc gốc Triều Tiên có nguồn gốc từ vùng Hamgyong của Bắc Triều Tiên, và nói phương ngữ Hamgyŏng của tiếng Triều Tiên.[4] Châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên được thành lập vào năm 1952 với cấp ban đầu là huyện, và được nâng lên cấp châu năm 1955.[3] Huyện tự trị dân tộc Triều Tiên Trường Bạch đã được thành lập ở tỉnh Cát Lâm, ngoài ra còn có một số khu vực tự trị khác của người Triều Tiên tại Hắc Long Giang, Liêu Ninh, và Nội Mông.[4] Tuy nhiên, khoảng năm 1990 trở lại đây dân số dân tộc Triều Tiên ở Diên Biên đã giảm xuống do di cư. Tỷ lệ dân tộc Triều Tiên ở đây đã giảm từ 60,2% năm 1953 xuống 36,3% năm 2000. Sự thay đổi này phản ánh những biến động trong xã hội của người dân tộc Triều Tiên do nền kinh tế tăng trưởng cao của Trung Quốc. Người Triều Tiên là một trong những dân tộc có trình độ giáo dục cao nhất tại Trung Quốc,[5] và được coi là mẫu mực cho các dân tộc thiểu số.[6]. Tiếng Triều Tiên cũng được nhà nước khuyến khích, và hầu hết người Triều Tiên tham gia các kỳ thi tuyển lên các bậc học cao hơn băng tiếng Triều Tiên.[7]

Một phần đáng kể người Trung Quốc gốc Triều Tiên nay cư trú tại Hàn Quốc; Tính đến năm 2009[cập nhật], có khoảng 443.566 người dân tộc Triều Tiên mang quốc tịch Trung Quốc sinh sống tại Hàn Quốc, chiếm tới 71% tất cả công dân Trung Quốc sống tại nước này.[8] Tuy nhiên họ nhận được ít thuận lợi hơn so với người gốc Triều Tiên ở các nước khác, chẳng hạn như những người mang quốc tịch Mỹ.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Triều_Tiên_(Trung_Quốc) http://www.chinapop.gov.cn/rklt/rkyjhsyyj/t2004032... http://www.china.org.cn/english/features/EthnicGro... http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2009/... http://www.chosun.com/national/news/200609/2006091... http://www.iie.com/publications/chapters_preview/3... http://article.joins.com/article/article.asp?total... http://japan.moyiza.com/ http://news.khan.co.kr/kh_news/khan_art_view.html?... http://www.kookje.co.kr/news2006/asp/center.asp?gb... http://www.mofat.go.kr/consul/overseascitizen/comp...